DN Hàn Quốc hiện đã đầu tư khoảng 45 tỷ USD vào Việt Nam với khoảng 4.600 DN; riêng Công ty Samsung ở Việt Nam nay đã vươn tới con số 50 tỷ USD kim ngạch XK mỗi năm. Điều đó cho thấy nhu cầu về máy công cụ, cơ khí chính xác của DN Hàn Quốc tại Việt Nam là rất lớn. Những lợi thế của Việt Nam như tình hình kinh tế-xã hội ổn định, dân số trẻ, thị trường tiêu thụ lớn, cơ hội XK cao và những ưu đãi của chính phủ và các địa phương, nhờ đó các DN của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh như cơ khí.
Ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Hàn Quốc
Cơ khí đóng tàu nằm ở vị trí trung tâm phát triển kinh tế Hàn Quốc trong vài thập niên qua, đóng vai trò hàng đầu trong việc đưa người dân thoát khỏi đói nghèo.
Đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người chỉ có 87 USD/năm, vậy mà đến nay, con số này đã là hơn 15.000 USD/năm. Hàn Quốc hiện đang là cường quốc kinh tế đứng thứ 13 của thế giới, là quốc gia hàng đầu về Internet tốc độ cao, đứng thứ 2 trên thế giới về công nghiệp đóng tàu và sản xuất bán dẫn, đứng thứ 5 thế giới về sản xuất ô tô và thứ 6 thế giới về sản xuất sắt thép.
Tập đoàn Huyndai đóng vai trò dẫn đầu, khai phá và đặt nền móng cho ngành đóng tàu Hàn Quốc phát triển. Đến nay, các công ty đóng tàu Hàn Quốc hiện đang đóng những con tàu 300.000 tấn, một bước tiến nhảy vọt, so với các con tàu trọng tải 2.600 tấn được đóng khi ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc mới bắt đầu hình thành vào những năm 1960. Năm 1993, lần đầu tiên Hàn Quốc trở thành nhà sản xuất tàu lớn nhất trên thế giới, vượt qua cả Nhật Bản. Nhiều năm liên tục, Hàn Quốc dẫn đầu về lượng đơn đặt hàng đóng tàu với 44% thị phần thế giới. Ngành đóng tàu Hàn Quốc có tính cạnh tranh mạnh mẽ do các hãng đóng tàu hoạt động có hiệu quả, công nghệ đạt trình độ cao, đi kèm với những lợi thế rõ ràng về cảng biển và thềm lục địa. Họ rất thành thạo trong việc đóng các tàu lớn chất lượng cao, như các tàu chở công-ten-nơ, tàu chở dầu thô và khí ga thiên nhiên hóa lỏng. Samsung Heavy, Huyndai Heavy Industries và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering của Hàn Quốc hiện là 3 tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới.
Hàn Quốc có số đơn hàng đóng tàu mới đạt kỷ lục vào năm 2000 là 10,5 triệu DWT. Trong số này tàu chở dầu chiếm gần 50% tiếp sau là tàu chở container, tàu chở khí đốt hóa lỏng và hóa chất khác. Quốc gia này có 58 nhà máy đóng tàu thuộc Hiệp hội Hợp tác đóng tàu Hàn Quốc. Trong đó có các tập đoàn lớn như Hyundai, Samsung. Hyundai Motor Co và Samsung đã tuyên bố về kế hoạch sản xuất tại Trung Quốc các cụm chi tiết của tàu thủy. Như vậy, việc chuyển giao sản xuất tàu ở nước ngoài đang được Hàn Quốc triển khai.
Năm 2003, Hàn Quốc trở thành quốc gia đóng tàu số một thế giới khi vượt qua Nhật Bản ở 3 hạng mục chính: khối lượng đóng tàu, số lượng đơn hàng tồn và số lượng đơn hàng mới. Gần đây, bằng chiêu bài giá rẻ, công nghiệp đóng tàu Trung Quốc đã vươn lên giành giật thị phần tàu nhỏ của Hàn Quốc.
Từ năm 2011-2017, ngành đóng tàu Hàn Quốc suy giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ, ngành đóng tàu Hàn Quốc đã giành lại vị trí dẫn đầu thế giới với tỷ lệ trúng thầu hợp đồng đóng tàu của 3 DN lớn nhất gồm Samsung Heavy Industries (SHI), Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME), và Hyundai Heavy Industries (HHI) chiếm tới 45% tổng đơn hàng trên toàn thế giới trong 10 tháng đầu năm 2018.
Hoạt động hợp tác với Hàn Quốc
Cùng với các lĩnh vực dệt may, nhựa, ô tô, điện tử và một số lĩnh vực khác, Hàn Quốc cũng đang tăng cường tìm kiếm sự hợp tác đầu tư sản xuất trong lĩnh vực cơ khí tại Việt Nam.
Vào cuối năm 2016, Hội thảo “Công nghệ Đúc – Khuôn mẫu Việt Nam – Hàn Quốc” đã được tổ chức tại Tp.HCM. Tại Hội thảo, đại diện Viện Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) với 3.400 đối tác tại Hàn Quốc, cho biết sẵn sàng chuyển giao cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam khi đạt yêu cầu. Theo nhận định của KITECH, hơn 90% DN vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay có nhu cầu tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, hàng năm KITECH dành khoảng 3 tháng để tìm hiểu các nhu cầu, khó khăn về công nghệ, kỹ thuật trong DN, từ đó đưa ra định hướng và hỗ trợ. Hiện nay, KITECH đang tìm sự hỗ trợ từ chính quyền Tp.HCM để có thể đến gần hơn với các DN vừa và nhỏ Việt Nam.
Trong chuyến thăm tại Daegu, Hàn Quốc của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng vào giữa tháng 9/2017, đoàn công tác đã thăm Công ty Acro Eng, đang chiếm 70% thị phần thị trường các lưỡi dao cắt chính xác dùng trong sản xuất công nghiệp tại Hàn Quốc và đang cung ứng cho các khách hàng tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức…Lãnh đạo công ty Acro Eng bày tỏ mong muốn mở rộng hoạt động đầu tư sản xuất tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng.
Về chuyển giao công nghệ lĩnh vực cơ khí, tháng 1/2017, Tập đoàn LS Mtron (Tập đoàn sản xuất máy nông nghiệp lớn nhất Hàn Quốc) đã ký chuyển giao công nghệ cho THACO xây dựng nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị công tác các loại sử dụng trong nông nghiệp với tỷ lệ nội địa hóa đến 50% và phân phối độc quyền tại Việt Nam mang thương hiệu THACO vào tháng 10/2017. Tiếp đến giai đoạn 2 là liên doanh mở rộng sản xuất tại Việt Nam để XK ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới.
Hiện nay, máy kéo mang thương hiệu LS đang chiếm thị phần lớn nhất tại Hàn Quốc và đã thiết lập hệ thống kinh doanh ở Mỹ và các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, Brazil.
LS Mtron đã XK các dòng máy kéo đến hơn 40 quốc gia trên thế giới và khoảng 12.000 máy kéo/năm đến thị trường Bắc Mỹ – thị trường máy nông nghiệp lớn nhất thế giới.
Để sản xuất các máy móc nông nghiệp có công năng phù hợp, sử dụng hiệu quả mang lại năng suất cao, THACO cũng đang nghiên cứu và sẽ tham gia quy hoạch và thiết kế lại quy mô canh tác theo hướng công nghiệp hóa.
Đồng thời, sẽ nghiên cứu, sản xuất các máy móc thiết bị chuyên dụng cho nhóm sản phẩm nông nghiệp các loại khép kín theo chuỗi giá trị từ khâu canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến và phân phối.
Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc trở thành nước cung cấp máy móc, thiết bị lớn nhất cho Việt Nam. Nguyên nhân là do đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh khiến các DN tăng NK máy móc, thiết bị từ Hàn Quốc phục vụ các dự án.
Trong năm 2018, hai hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư lĩnh vực cơ khí của Việt Nam và Hàn Quốc gồm:
Triển lãm quốc tế máy móc thiết bị công nghiệp tại Việt Nam (VIMAF) và triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF) năm 2018
Trên cơ sở triển khai các hoạt động về phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp nối thành công từ triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2016, triển lãm quốc tế máy móc thiết bị công nghiệp tại Việt Nam (VIMAF) và triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF) năm 2018 được tổ chức vào cuối năm. Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM (đơn vị trực thuộc Sở Công Thương), công ty COEX, Hội DN cơ khí – điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) và Hiệp hội Máy móc công nghiệp Hàn Quốc (KOAMI) là những đơn vị đồng tổ chức sự kiện này.
VIMAF và VSIF năm nay có tác dụng hỗ trợ trong việc quảng bá, tạo điều kiện mở rộng thị trường, kết nối với các đối tác cho DN nội địa.
Sự kiện lần này dự kiến thu hút khoảng 500 gian hàng của 350 DN trong và ngoài nước như: Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Trung Quốc… Trong đó, có khoảng 200 gian hàng trưng bày chi tiết linh kiện sản phẩm CNHT Việt Nam.
Ngoài các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu như máy móc, thiết bị, phụ kiện và vật liệu vật liệu cho công nghiệp sản xuất, xây dựng và điện; triển lãm năm nay còn được mở rộng với khu vực công cụ phục vụ cho lĩnh vực công nghệ cao, y tế, du lịch đến từ các DN có năng lực cung ứng triển vọng từ TP. HCM, góp phần đáp ứng với xu thế mới của nền kinh tế.
Song song với hoạt động triển lãm chính, Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp để đem đến các hoạt động hỗ trợ kết nối giao thương như: khu trưng bày các sản phẩm công nghệ của các DN Hàn Quốc, khu kết nối DN chuyên ngành Việt – Hàn, ngày hội cung ứng sản phẩm và hội thảo chuyên ngành về công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.
Hợp tác giữa tỉnh Đắk Lắk với Hàn Quốc về lĩnh vực cơ khí
Trong chương trình hợp tác giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Jeollabuk (Hàn Quốc), Hội Cơ khí tỉnh đã thỏa thuận hợp tác với tỉnh bạn nhiều nội dung về lĩnh vực cơ khí, chế tạo.
Cụ thể, Hội Cơ khí tỉnh đề xuất tỉnh Jeollabuk hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ đúc gang, sản xuất các chi tiết, phụ tùng thiết bị nông nghiệp, phương tiện vận tải, trong đó có thể tổ chức sản xuất tại Đắk Lắk một số sản phẩm phục vụ các DN Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam; đào tạo công nhân kỹ thuật lành nghề, cán bộ quản lý cho DN cơ khí địa phương; đồng thời, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc thực tập trong quá trình đào tạo nghề cơ khí, động lực và công nghiệp ô tô.
Bên cạnh đó, tỉnh Jeollabuk cũng cam kết tìm kiếm cơ hội xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm cơ khí Đắk Lắk vào tiêu thụ ở Hàn Quốc và các thị trường khác, đặc biệt là sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như: thiết bị phục vụ sản xuất cà phê, máy sấy nông sản, bơm nước các loại…
Tình hình giao thương
Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc trở thành nước cung cấp máy móc, thiết bị lớn nhất cho Việt Nam. Nguyên nhân là do đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng mạnh khiến các DN tăng NK máy móc, thiết bị từ Hàn Quốc phục vụ các dự án.
NK máy móc thiết bị từ Hàn Quốc trong những năm qua có nhiều biến động. Kim ngạch NK năm 2013 chỉ đạt 2,83 tỷ USD, chiếm 15,12% tổng kim ngạch NK mặt hàng này của Việt Nam. Năm 2016, NK máy móc thiết bị từ Hàn Quốc đạt 5,88 tỷ USD, giảm 23,31% so với năm 2015. Năm 2017, NK máy móc thiết bị từ Hàn Quốc đạt 8,63 tỷ USD, tăng 56,6% so với năm 2016. 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch NK giảm mạnh 31,21% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 5 tỷ USD và chiếm 18,35% tổng kim ngạch NK máy móc, thiết bị của Việt Nam.