Việt Nam – Nhật Bản đã và đang hợp tác tốt trong nhiều lĩnh vực; trong đó, ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ lệ cao nhất trong đầu tư FDI của Nhật Bản vào Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam – Nhật Bản tập trung hợp tác vào 6 lĩnh vực, gồm điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, sản xuất ô tô và phụ tùng, môi trường và năng lượng. Đây là cơ hội tốt để DN trong ngành công nghiệp cơ khí hai nước tăng cường giao lưu, hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản
Nhật Bản được biết đến là quốc gia hàng đầu trong thiết kế, chế tạo máy móc thiết bị với những công nghệ tiên tiến nhất thế giới, đặc biệt là lĩnh vực máy xây dựng. Các thương hiệu máy xây dựng nổi tiếng của Nhật Bản như Komatsu, Kolbe,
Tập đoàn Komatsu là một mạng lớn hùng mạnh gồm công ty TNHH Komatsu và 182 công ty khác, với tổng số nhân viên lên đến 47.000 người. Hiện công ty còn sản xuất các thiết bị công nghiệp khác như máy laser, máy phát nhiệt điện và máy ép. Tôn chỉ của tập đoàn này là tập trung vào thiết bị xây dựng, mỏ và thiết bị tiện ích thu nhỏ để đóng góp vào sự thịnh vượng của khách hàng thông qua những sản phẩm và dịch vụ an toàn, sáng tạo cùng những hoạt động trên toàn cầu. Trong khi đó, sự phát triển bền vững của tập đoàn Komatsu vẫn được đảm bảo bằng cách xây dựng một vị trí vững chắc tại mỗi thị trường.
Trên 70% doanh số của công ty đến từ việc bán các sản phẩm máy xây dựng cũng như khai mỏ gồm máy ủi, xe tải, máy xúc thủy lực, máy nghiền di động, máy san, xe cẩu địa hình, máy khoan hầm và máy xúc lật. Ngoài ra, Komatsu còn sản xuất các sản phẩm điện tử, chiếm khoảng 7% doanh số.
Mặc dù hoạt động chủ yếu ở Nhật Bản, Komatsu có các nhà máy và các đơn vị bán hàng, dịch vụ ở những quốc gia khác, chủ yếu tại Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Anh, Đức, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Đài Loan. Komatsu cũng tham gia liên doanh với nhiều đối tác trong và ngoài nước như tập đoàn Cummins của Mỹ, công ty Bangkok Motor Works của Thái Lan, công ty Larsen & Toubro của Ấn Độ và tập đoàn Ushio của Nhật Bản.
Khoảng 54% doanh số ròng của công ty này xuất phát ngoài Nhật Bản, trong đó 25% từ Bắc và Nam Mỹ, 12% từ châu Âu và châu Á (không kể Nhật Bản) và châu Đại Dương. Còn lại 4% đến từ Trung Đông và Châu Phi. Hiện Komatsu là hãng sản xuất thiết bị xây dựng và khai mỏ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau kỳ phùng địch thủ Caterpillar.
Hitachi, Ltd là tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản đặt trụ sở tại Chiyoda, Tokyo chuyên sản xuất và kinh doanh các thiết bị máy móc công nghiệp, máy phát điện, hệ thống thông tin, thiết bị điện tử – điện lạnh… Các sản phẩm của Hitachi đã rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam và được thị trường đón nhận rất tích cực.
Hitachi là thương hiệu máy xây dựng nổi tiếng của Nhật Bản với nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó nổi bật hơn cả là mẫu máy ZX 350LC-3. Trọng lượng của máy là 35049kg và công suất lên đến 202kW. Với hệ thống thuỷ lực HIOS III đã được cải tiến cho phép vận hành êm và kết hợp các thao tác dễ dàng. Mô men quay, lực kéo cũng như lực đào đều tăng lên nâng cao khả năng làm việc của máy.
Tình hình hợp tác với Nhật Bản
Ngành cơ khí Việt Nam dù đã có những thành tựu đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa có xu hướng tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng do FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều.
Việt Nam thu hút sự quan tâm của rất nhiều DN Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí bởi đây là quốc gia có ngành công nghiệp đang phát triển, có nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề lao động khá với chi phí sản xuất thấp.
Phía DN Nhật đánh giá cao sự ổn định về chính trị, sự cởi mở trong chính sách thu hút đầu tư, giao lưu thương mại của của Việt Nam.
Mặt khác, trong những năm gần đây, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế cao và ổn định, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển nhanh so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Đây là cơ sở và là động lực để Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Trong năm 2018, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực cơ khí được tổ chức tại cả Việt Nam và Nhật Bản. Tiêu biểu là:
– Japan Palivion tại MTA VietNam 2018
Japan Palivion tại triển lãm MTA VietNam 2018 dưới sự tổ chức của Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vào tháng 7/2018.
Có mặt tại khu Japan Pavilion là 24 công ty Nhật Bản, nơi bao gồm các sản phẩm ưu việt, được sản xuất độc quyền và nhận được giải thưởng tại xứ xở Nhật Bản. Đây chính là cơ hội để quý khách hàng tham quan chiêm ngưỡng các máy móc công nghiệp, máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại hàng đầu từ các DN có tiếng tại xứ sở Phù Tang; đồng thời cũng là nơi hội tụ lý tưởng của các nhà sản xuất và đơn vị cung ứng hàng đầu tại thị trường nội địa.
Ngoài những sản phẩm chưa từng có tại Việt Nam, tại Japan Pavilion còn có những kỹ thuật tiên tiến duy nhất trên thế giới, những sản phẩm ưu việt được sản xuất độc quyền và nhận được giải thưởng tại Nhật Bản – một cường quốc về ngành sản xuất chế tạo. Những thiết bị máy móc, công cụ này giúp giải quyết các vấn đề như sau:
(1). Thiết bị máy móc, công cụ cống hiến cho sản xuất “sản phẩm chất lượng cao” có khả năng đo chính xác trọng lượng, độ dài, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm như thước đo, kính phóng đại, cân điện tử…
(2). Thiết bị máy móc, công cụ cống hiến cho “năng suất sản xuất” có khả năng gia công chính xác và hoạt động hiệu quả như máy ép kiểu vít, camera giám sát tải trọng, nguyên liệu mài bằng ceramic, thiết bị cung cấp điện liên tục…dùng để nâng cao năng suất sản xuất sản phẩm.
(3). Công cụ cống hiến cho “sự an toàn” cao trong qui trình sản xuất, giúp bảo vệ an toàn cho người lao động như van an toàn khí gas, những công cụ phòng tránh thao tác sai của máy công cụ…
(4). Thiết bị máy móc, công cụ chưa từng có tại thị trường Việt Nam, giúp nâng cao ngành sản xuất, bao gồm lò xử lý nhiệt, máy chân không, thanh dẫn hướng LM…
(5). Linh kiện chính xác có dung sai kích thước theo đơn vị micron hỗ trợ cho các thiết bị máy móc phức tạp và yêu cầu độ chính xác cao như thiết bị y tế, xe ô tô, thiết bị sản xuất chất bán dẫn, robot dùng trong ngành công nghiệp…
Sự xuất hiện của Japan Pavilion tại MTA Vietnam 2018 là một phần trong hoạt động thúc đẩy đầu tư, giao thương giữa tổ chức hai nước. Thông qua thuộc tính vận dụng trong kỹ thuật các tổ chức mang đến trưng bày vật phẩm, sự kiện lần này sẽ góp phần giải quyết vấn đề sản xuất ngành công nghệ hỗ trợ, nâng cao tỷ trọng cung ứng nội địa cho các tổ chức Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam.
– Triển lãm công nghiệp hỗ trợ “Supporting Industry Show 2018
Để hỗ trợ kết nối DN cung ứng của Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản, JETRO đã tổ chức rất nhiều sự kiện nhằm hiện thực hoá Hiệp định VJEPA, trong đó có triển lãm “Supporting Industry Show 2018”. Chương trình tạo điều kiện cho các DN Nhật Bản tìm được nhà cung ứng linh kiện Việt Nam phù hợp và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN Việt Nam quảng bá sản phẩm, tìm được khách hàng tiềm năng.
Triển lãm diễn ra vào tháng 10/2018. Có 18 công ty lớn đến từ Nhật Bản tham gia với tư cách người mua hàng (buyer), 30 công ty Việt Nam tham dự như nhà cung cấp (supplier).
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), tham gia vào “Supporting Industry Show 2018” là một trong những kế hoạch trong chiến lược thực hiện định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025 của ITPC. Định hướng này bao gồm 3 điểm. Thứ nhất, hình thành được mạng lưới sản xuất nội địa đáp ứng được yêu cầu sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nội địa và tham gia hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai, thu hút DN FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi công nghệ cao tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ ba, hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia sản xuất cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo hướng thay thế NK và nâng cao giá trị gia tăng.
Ngành công nghiệp cơ khí tại TPHCM đang có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, với chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 7,9% giai đoạn 2016-2017. Năm nay, CSID sẽ phối hợp chặt chẽ với Jetro để hỗ trợ các nhà sản xuất tại TPHCM tham gia “Supporting Industry Show 2018”. Đây là cơ hội tốt để các DN mở rộng năng lực cung ứng, kết nối với các đối tác trong và ngoài nước, cũng như chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
– Hà Nội tham gia Triển lãm quốc tế ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ
Triển lãm M-Tech diễn ra từ ngày 20/6-22/6/2018 tại Trung tâm Triển lãm Tokyo Big Sight, thành phố Tokyo, Nhật Bản.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Sở Công Thương tổ chức đoàn cán bộ và 20 DN Thành phố tham gia triển lãm M-Tech tại Nhật Bản với nhiều nội dung quan trọng:
+ Tổ chức trưng bày sản phẩm: xây dựng Khu gian hàng “Hanoi Pavilion-Leading Industrial parts makers” trên diện tích 48,6m2 để trưng bày các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực của Thành phố gồm: cơ kim khí; phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy; điện – điện tử, điện lạnh; nhựa, cao su; máy móc, thiết bị công nghệ phục vụ cho sản xuất ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; máy móc và thiết bị cho nhà máy điện, trạm phát điện, thiết bị và hệ thống phát điện; vật liệu ngành điện: dây dẫn, cáp điện, thiết bị truyền tải, khí cụ điện, vật liệu cách điện; đèn hình, bản in vi mạch dẻo, …
+ Kết nối đối tác: DN Hà Nội quảng bá, giới thiệu sản phẩm; giao dịch, đàm phán ký kết thỏa thuận, hợp đồng với đối tác Nhật Bản và các nước tại triển lãm;
+ Tham gia diễn đàn, hội nghị bên lề triển lãm chuyên đề về công nghệ, giải pháp kỹ thuật trong sản xuất.
+ Khảo sát thực tế tại một số nhà máy tại Nhật Bản: khảo sát, học tập kinh nghiệm, mô hình quản lý sản xuất; tìm hiểu công nghệ máy móc thiết bị tiên tiến của Nhật Bản tại 02 nhà máy chuyên sản xuất các loại máy phục vụ cho ngành cơ khí chế tạo.
– Tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại Tokyo, Nhật Bản
Ngày 25/7/2018, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cùng với Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản, Công ty TNHH Thăng Long Vĩnh Phúc, Ngân hàng Mizuho Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội thảo chủ đề “Cơ hội đầu tư kinh doanh ở tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút trên 100 tổ chức và DN Nhật Bản đến dự.
Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đã quyết định đầu tư kinh doanh tại Vĩnh Phúc từ giữa năm 2016, hiện tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc với diện tích hơn 210 héc ta đang khẩn trương xây dựng hạ tầng và mời gọi các nhà đầu tư thứ phát đầu tư vào khu công nghiệp. Quá trình triển khai xây dựng, chính quyền và nhân dân tạo điều kiện thuận lợi nên dự án triển khai vượt tiến độ đề ra, trong đó thời gian giải phóng mặt bằng đã nhanh hơn 6 tháng. Vĩnh Phúc đã thành lập Bộ phận hỗ trợ DN Nhật Bản (Japan Desk) để hỗ trợ cho các DN Nhật Bản trong việc cấp phép, tuyển dụng lao động, tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Việt Nam…
Nhân chuyến xúc tiến đầu tư lần này tại Nhật Bản, đoàn công tác của tỉnh đã đến thăm và làm việc với Tập đoàn Sumitomo, nhằm tôn vinh DN đã đầu tư vào tỉnh, đồng thời đề nghị Tập đoàn nghiên cứu đầu tư xây dựng hạ tầng thêm 1-2 khu công nghiệp tại tỉnh, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc khả năng sẽ nhanh chóng được lấp đầy. Do được chuẩn bị chu đáo, chủ đề hội thảo tập trung vào phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô xe máy, khách mời được lựa chọn kỹ nên Hội thảo đã rất thành công. Qua hội thảo, các tổ chức, DN của Nhật Bản biết rõ thêm về môi trường và chính sách đầu tư của tỉnh. Cuối buổi hội thảo, nhiều nhà đầu tư đã lưu lại gặp Chủ tịch UBND tỉnh và Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc trình bày kế hoạch sang thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh.
Nhân dịp này, đoàn công tác của tỉnh đã làm việc với Công ty Suruga, Tập đoàn Misumi Nhật Bản sản xuất linh kiện cơ khí và điện tử cung cấp cho ngành ô tô, xe máy (Nhật Bản 54%, còn lại XK ra nước ngoài 46%). Thành lập từ năm 1964, sau gần 55 năm phát triển, hiện nay Tập đoàn đã khẳng định vị trí, thương hiệu trong nước và quốc tế. Đến nay Tập đoàn có 24 nhà máy, sản xuất 17 triệu sản phẩm, cung cấp cho 2.700 DN. Tỉnh hoan nghênh Công ty Suruga có kế hoạch đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để Công ty triển khai dự án tại tỉnh.
Tình hình giao thương
Trong giai đoạn từ năm 2017- 2018, tỷ trọng kim ngạch NK máy móc thiết bị của Việt Nam từ Nhật Bản có xu hướng giảm. Năm 2015-2016, NK máy móc thiết bị từ Nhật Bản chiếm hơn 16% nhưng năm 2017 giảm còn 12,66% và 10 tháng đầu năm 2018 còn ở mức 13,23%.
Các loại máy móc, thiết bị NK từ Nhật Bản chủ yếu là máy xây dựng (chiếm 20%), thiết bị điện để đóng ngắt mạch (chiếm 19,7%), máy dùng để gia công cao su hoặc plastic (chiếm 3,8%), hộp khuôn đúc kim loại (chiếm 3,4%)…